Đức tính Tống_Phúc_Thị_Lan

Vợ hiền của Gia Long

Bà là người thân hậu, cần kiệm, biết thương yêu tất cả mọi người. Bà từ khi gặp lại Gia Long từ Xiêm về, luôn ở bên vua kể cả trên chiến trường, tựa như nàng Ngu Cơ luôn ở bên Hạng Vũ đời Hán vậy.

Trong lúc bôn ba nơi gian hiểm, bà tự tay dệt nhung phục cho quân sĩ. Một hôm đang đi thuyền thì gặp địch, Gia Long giục quân cố sức đánh, bà cũng cầm trống thúc quân khiến tướng sĩ phấn chấn mà đánh bại địch. Đức hạnh của bà thật xứng đáng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ. đúng với câu được ghi trong văn sách lập làm Hoàng hậu:

  • Hòa dịu cần kiệm tỏ đức hay, làm khuôn mẫu cho mọi gia đình
  • Đem phong hóa quan thư khiến Tu, Tề, Trị, Bình được trông cậy

Mẹ hiền của Minh Mạng

Lúc Hoàng tử Đảm (tức vua Minh Mạng sau này) lên 3 tuổi, Gia Long sai vào cung của Hoàng hậu để làm con. Hậu đòi phải có khế khoán, vua sai Tả quân Lê Văn Duyệt viết một tờ đưa cho, bà sai đưa cung nữ cất giữ cẩn thận. Từ đấy Hoàng tử Đảm hay vào cung hầu hạ cho Hoàng hậu, Hậu yêu quý hoàng tử như con ruột. Năm 1801, Anh Duệ thái tử Nguyễn Phúc Cảnh con của Hoàng hậu qua đời, Hậu chỉ còn hoàng tử Đảm bên mình.

Đến khi hoàng hậu băng, hoàng tử Đảm được lệnh chủ trì tang lễ như trưởng tử. Nhưng các quan cho rằng nên để Hoàng tôn Đán, con ruột của Anh Duệ Hoàng thái tử Cảnh làm chủ trì. Bấy giờ Gia Long dụ rằng: "Hoàng tử (chỉ Thánh Tổ hoàng đế) là con của Hoàng hậu, còn có khé khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng. Việc lớn của quốc gia không thể nhất khái câu nệ lễ của nhà dân". Có quan cho rằng xưng hô trong văn khấn khó nói, vua lại dụ: "Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có gì là không được". Sau mới hết dị nghị.

Lúc bấy giờ, mẹ sinh hoàng tử Đảm là bà Trần Thị Đang đang giữ vị phi tần trong cung, từ khi Đảm vào hầu Hoàng hậu thì trở thành con của Hậu, nên mới có lệ thế. Khi Hậu qua đời, hoàng tử Đảm đã lên 23 tuổi, về sau lại trở về bên Thuận Thiên Cao hoàng hậu.

Tín vật với vua Gia Long

Về thỏi vàng năm xưa, Hoàng hậu luôn giữ bên mình từ khi Gia Long lên đường đi Xiêm. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông hỏi bà về nửa thoi vàng năm xưa, bà đưa ra và Gia Long mừng rỡ nói: "Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết." rồi lấy nửa thoi còn lại ráp thành hoàn chỉnh rồi giao hết cho bà. Hoàng hậu truyền lại cho Minh Mạng.

Về sau, Minh Mạng đưa ra vật vàng ấy, dụ các quan thân cận rằng: "Đấy là vật làm tin của Hoàng khảo, khi dời đi xa lưu lại để cho trẫm". Ông bèn sai khắc chữ Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão bá thiên thời tín vật (世祖帝后癸卯播天時信物), rồi đưa vào để ở điện Phụng Tiên.